Thứ Năm, 8 tháng 3, 2012

Vung que moi nguoi chung nhau mot chiec bao quan tai

Cứ thế, từ thế hệ này đến lớp người khác, hàng ngàn người không kể giàu nghèo đẹp xấu đã dùng chung chiếc bao quan này.

hình ảnh minh họa (nguồn internet)


Hơn một thế kỷ đã qua, những tàn phá, ảnh hưởng của chiến tranh và thời gian cũng không thể làm phai mờ gia trị văn hóa mà người dân sống dưới chân núi Nứa thuộc xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu đang bảo tồn và lưu giữ. Bằng chứng cho sự bảo lưu đó là sự chăm chút chu đáo Di tích Nhà Lớn đã được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử - văn hóa và việc lưu truyền tục lệ sử dụng chung bao quan tài đỏ để mai tang nhiều người. Những di tích văn hóa vật thể hay phi vật thể ở chân núi Nứa này không mang ý nghĩa cao xa mà chỉ bao quanh triết lý "sống đồng tịch đồng sàn, chết đồng quan đồng quách" – một triết lý điển hình cho cách sống cộng đồng và đoàn kết của dân tộc.

"Sống đồng tịch đồng sàn"


Theo người dân xã Long Sơn, triết lý sống này xuất phát từ sự trải nghiệm và đúc kết của người khai khẩn vùng đất này. Đó là ông Trần hay còn gọi là ông Nhà Lớn. Ông Trần có tên thật là Lê Văn Mưu, sinh năm 1855, người làng Thiên Khánh, tổng Hà Thanh, quận Giang Thành (thuộc xã Tân Khánh Hòa, thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang ngày nay). Cuộc đời ông Lê Văn Mưu trải qua thăng trầm và biến động lịch sử. Năm 30 tuổi, ông tìm đến làng An Định, chân núi Tượng (thuộc xã Ba Chúc, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang ngày nay) để xin làm đệ tử Ngô Lợi, giáo chủ phái Tứ Ân Hiếu Nghĩa và tham gia kháng chiến chống Pháp.

Sau khi kháng chiến thất bại, Ngô Lợi mất, nghĩa quân cũng dần tàn lụi. Lê Văn Mưu phải về quê ở ẩn. Bị quân Pháp truy lùng gắt gao ông quyết định đi miền ĐôngNam Bộ lánh nạn và phát triển mối đạo. Sau khi bàn bạc cùng gia quyến và đồng đạo, ông đã quyết định chọn mảnh đất Đông Nam đảo Long Sơn vốn còn rất hoang vu, nhiều rừng rậm, thú dữ và nhiều điều kiện khắc nghiệt như: Thiếu nước ngọt, đất đá cằn khô, sình lầy nhiễm mặn. Mặc dù biết Long Sơn là vùng đất hiểm trở nhưng do thấy được địa thế rồng nằm của dãy núi Nứa nên ông Lê Văn Mưu quyết tâm khai khẩn.

Năm 1900, ông Lê Văn Mưu và những người đi cùng đã dùng ghe đến đây để khai phá đất đai làm ruộng muối, trồng lúa, đánh bắt thủy hải sản. Chiếc ghe năm xưa mà ông Lê Văn Mưu thường dùng, nay vẫn còn được trưng bày ở di tích Nhà Lớn. Người dân nới đây gọi là ghe Sấm – nhằm gợi lên sức mạnh vượt sóng gió, đưa đoàn người Lê Văn Mưu đến vùng đất Long Sơn.

Khi đến khu vực chân núi Nứa, công việc làm ăn ở đây của người dân ngày một khấm khá. Để tính chuyện lâu dài, ông Lê Văn Mưu xin phép được quy dân lập ấp. Được Nhà cầm quyền chế độ cũ chấp thuận, ông quy tụ người dân khắp nơi, nhất là người Tây Nam bộ đến khai phá thêm đất đai, khuếch trương nghề nghiệp và dần hình thành nên ấp Bà Trao dưới chân núi Nứa (này là xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu).

Vì ăn ở hiền lành, truyền bá lối sống nhân nghĩa cộng đồng không mê tín dị đoạn nên ông Lê Văn Mưu được mọi người cảm phục, tin tưởng. Người đến chân núi Nứa mỗi ngày một nhiều và dần quen thuộc với hình ảnh của ông Mưu cởi trần, búi tóc củ tỏi, đi chân đất, làm việc suốt ngày, nên gọi là ông Trần. Hướng theo cách sống của ông, người dân nơi đây tạo thành một cụm quần cư theo đạo ông Trần.

Ông Trần hướng những người dân sống tha hương sống quần cư yêu thương lẫn nhau, không những cùng nhau làm ăn mà còn ở chung nhà nhau nữa. Nhà Lớn được ông Trần và các tín đồ hợp sức xây nên từ năm 1910, đến năm 1929 thì hoàn thành, đủ để thấy sức mạnh cộng đồng và cách sống quần cư bền vững của người dân theo đạo ông Trần ở Long Sơn. Và cũng từ đây ông Lê Văn Mưu lại có một tên gọi khác là ông Nhà Lớn.

Nhà Lớn xây dựng nhiều khu nhà riêng biệt với nhiều chức năng phục vụ cộng đồng như: Trường học, nhà chợ, nhà mát (để cư dân tránh mưa nắng), các dãy phố (dành cho lưu dân mới đến chưa có nhà ở), kho chứa thóc, nhà mộc, nhà đèn… Tất cả thể hiện cách sống chung, đoàn kết của người dân nơi đây theo triết lý sống cùng ăn ở cùng.

Xưa nay, việc trông coi và giữ gìn Nhà Lớn Long Sơn đều do nhân dân cùng con cháu ông Trần tự nguyện. Việc cúng lễ, tu sửa, quét dọn hàng ngày do phiên ngũ (năm người) đảm nhận, cứ ba ngày thay phiên một lần. Nhà Lớn hiện có 86 phiên với 340 người tự nguyện thực hiện, nửa năm đáo lại một lần.
Theo quyết định số 1371/QĐ-VH ngày 03/8/1991, toàn thể khu Nhà Lớn đã được Bộ Văn hóa – thông tin công nhận là di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia.

"Chết đồng quan đồng quách"


Ăn chung ở chung mới chỉ là một phần trong triết lý sống của những người theo đạo ông Trần. Những người dân ở đây rất tự hào về phong tục táng chung một chiếc bao quan đỏ. Phong tục này vô cùng ý nghĩa, nó không mang màu sắc dị đoan như nhiều tục lệ lạ lẫm khác. Phong tục kỳ lạ này chỉ xoay quanh khát khao của con người là được sống chung thì cũng muốn được chết chung trong một chiếc bao quan.
Thấy được sự tò mò và chút hoài nghi trong mắt chúng tôi, một cụ bà phá lệ dẫn chúng tôi đến chỗ đặt chiếc bao quan màu đỏ. Theo cụ bà, chỉ khi nào có người chết đến thỉnh hoặc dịp lễ lớn mới mở của để nhận và xem bao quan. Ngày thường, chiếc bao quan được bảo quản khá kỹ lưỡng. Phải qua nhiều lớp khóa, cánh của mở ra và chiếc bao quan màu đỏ đập vào mắt chúng tôi một màu đỏ tươi, phía ngoài bao quan được trang trí bằng các họa tiết hoa sen được vẽ một cách tỉ mỉ. Nắp chiếc bao quan được đan bằng cây lồ ô, các cạnh được viền bằng tre, mặt dưới của nó là phiến gỗ.

Bà cụ bảo: "Màu đỏ ấy là do đèn cầy tan chảy bao quanh, màu đậm nhạt là do số lượng người mất mà có được, hàng ngàn người không kể giàu nghèo, đẹp xấu đã dùng chung chiếc bao quan này. Người theo đạo ông Trần luôn quan niệm: "Sống đồng tịch đồng sàn, chết đồng quan đồng quách", nên được đưa vào bao quan trước khi đem chôn là một niềm hạnh phúc và thỏa mãn. Chiếc bao quan màu đỏ được đặt trong góc nhà cạnh nhà thờ ông Trần như ước nguyện những người đã chết vẫn theo bên nghe lời răn dạy của ông.

Khi có hữu sự, thân nhân người chết đến liên lạc với người ở Nhà Lớn và thỉnh bao quan về, mở nắp ra đưa người chết vào rồi chụp lại, thắp đèn cầy đem ra nghĩa trang chôn. Lúc chôn chỉ cần mở nắp bao quan, khiêng thi hài đưa xuống mộ, sau đó bao quan được đưa về chỗ cũ, không chôn theo người chết.

Đặc thù của mai táng ở vùng đất Long Sơn này là không để quá lâu, không quá 24h, sáng chết chiều chôn,chiều hôm trước chết sáng hôm sau chôn. Bà Mai,cháu dâu của ông Trần cho biết thêm: "Người dân ở đây chết không chôn theo gì cả, cả bia mộ cũng không đề tên tuổi. Ngay cả mộ ông Trần cũng đơn giản không bia không lăng như người dân bình thường khác nơi đây". Khó ai tin được một người tiền hiền, có công lập ấp an cư lạc nghiệp cho dân, vậy mà khi chết đi cũng bình dị như bao nhiêu người.

Việc dùng chung một chiếc bao quan cũng xuất phát một phần từ cách sống bình dị tiết kiệm của người theo đạo Ông Trần. Theo tương truyền, ngày xưa ở vùng đất Long Sơn, thú dữ và cây rừng nhiều vô kể, nhưng để đốn hạ một cây to làm bao quan mất rất nhiều công sức và còn nguy hiểm đến tính mạng. Để đảm bảo an toàn và cùng giữ gìn cây cối trong rừng cho lớp con cháu mai sau, các vị trưởng lão mới nghĩ ra cách dùng chung một chiếc bao quan để mai táng người chết. Điều này cũng phù hợp với lối sống của người theo đạo Ông Trần, vì thế quan điểm đó được đón nhận là lẽ đương nhiên.

Trong bối cảnh hiện nay, khi người người chạy đua để xây mồ mả thật to, thật đẹp, thật hoành tráng cho người đã khuất thì người dân Long Sơn và phong tục mai táng chung một chiếc bao quan, nổi lên như một điểm sáng văn hóa cần được lưu giữ.


Điểm nóng
Vượt ngục chấn động ở Việt Nam
Vụ cưỡng chế ở Hải Phòng
Ảnh cười: Chỉ có ở Việt Nam "Dị chuyện" chỉ có ở Việt Nam

Theo www.baomoi.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét