Hai cha con anh Trần Văn Chơn (Mười Chơn) là những tay thợ lặn nổi tiếng hầu như ngư dân nào ở Hòn Củ Tron cũng biết đến. Tại bãi Giếng này còn có nhiều tay thợ lặn chuyên nghiệp, nhưng do cuộc sống quá vất vả nên một số đã chuyển sang nghề cào và câu mực. Riêng Mười Chơn, sau gần 20 năm lặn hụp nay vẫn gắn bó với nghề, đã vậy còn kéo thêm người con nối nghiệp.
Hầu hết những tay thợ lặn đều ở lứa tuổi từ 20 đến 45, người nào cũng dạn dày sương gió. Các anh, đặc biệt là Tâm, con trai lớn của Mười Chơn có thân hình rắn rỏi, nước da sạm nắng, thể hiện rõ là một thanh niên gan dạ, tự tin. Các anh đã chọn Hòn Củ Tron, còn gọi là Hòn Lớn làm quê hương, quanh năm lấy ghe làm nhà, lấy biển làm chốn mưu sinh.
Một người thợ lặn chuẩn bị xuống đáy biển. Ảnh: Thiên Lộc. Quần đảo Nam Du thuộc huyện đảo Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang có tới 21 hòn đảo lớn nhỏ, đa số cư dân đều sống bằng nghề đánh bắt và nuôi trồng hải sản. Nhiều ngư dân tâm sự: trong các nghề khai thác biển, nghề nào cũng đổi bằng những giọt mồ hôi nhọc nhằn chảy qua năm tháng. Nhưng, nói đến khổ cực, chưa có nghề nào vất vả và nguy hiểm bằng nghề thợ lặn – nghề đối mặt với "thủy thần".
Biết là nguy hiểm, song nhiều người vẫn lấy nghề lặn để mưu sinh, thậm chí có người còn coi đó là một cái nghiệp không thể nào từ bỏ.
Mười Chơn tâm sự: "Nghề lặn vô cùng gian nan vất vả, đòi hỏi phải có sức chịu đựng dẻo dai và từng trải với sóng gió. Lúc đầu xuống nước ai cũng ngán ngại nhưng riết rồi cũng quen".
Bộ đồ nghề của thợ lặn gồm kính lặn, giày cao su, bao tay, ống thở, vợt, túi lưới, bao chì nặng 6 kg và một máy định vị. Tàu ra khơi, đầu tiên họ chọn những vùng biển êm, nước trong, để tìm "rạn". Phát hiện được điểm đánh (đôi lúc phải nhờ đến máy định vị) họ mới mặc đồ lặn, tháo ống hơi cột vào người, và nhảy tùm xuống biển, lặn sâu từ 10 đến 15 sải nước để tìm kiếm những luồng cá ẩn trú dọc theo các dãi san hô, đá ngầm hoặc các hang hóc, tiếng nhà nghề gọi là "rạn".
Khi xác định được mục tiêu, anh em mới dùng lưới bao vây và dùng các thủ thuật nhà nghề tóm gọn từng con cá cho vào giỏ lưới. Nếu gặp các loài cá ở hang thì phải tìm cách khuấy động cho cá hoảng hốt chui vào lưới. Đôi khi các anh buộc phải sử dụng đến thuốc mê hoặc đâm bằng chĩa đối với các loài cá dữ như cá bốp, cá ngát.
Những loài cá săn được thường là cá bống sao, mú đen, cá chét, nhồng, hường bạc… có con nặng đến 7-8 kg. Nếu cá lớn thì bán cho các đại lý thu mua, còn cá nhỏ bán cho các chủ bè làm cá giống. Ngoài cá ra, thợ lặn còn thu hoạch cả các loài cua, ốc, sò, mực, điệp… để tăng thêm thu nhập.
Thành phẩm sau một chuyến lặn biển là những nhánh san hô chết. Ảnh: Thiên Lộc. Anh Tiền ở Hòn Nghệ cho biết, mỗi lần lặn kéo dài từ một tiếng đến hơn một tiếng tùy theo sức khỏe và cái giá lạnh, hung dữ của biển. Trong suốt quá trình hoạt động dưới đáy biển, người thợ lặn lúc nào cũng ngậm một đầu dây dẫn khí được truyền hơi từ chiếc máy nổ đang vận hành trên ghe.
Càng xuống sâu càng có nhiều cá lớn nhưng chúng thường ẩn trú trong hang hoặc các hốc đá nên rất khó bắt. Thông thường sau khi quần thảo chừng một hai tiếng đồng hồ, anh em mới nổi lên dùng cơm, hút thuốc, nghỉ ngơi một lát rồi lại tiếp tục cho tới 3-4h chiều.
Những người thợ lặn nói rằng họ biết ông cha khuyến cáo 2 điều không nên: "Nhất phá sơn lâm, nhì đâm hà bá". Thế nhưng, vì miếng cơm manh áo, vì tương lai của con cái mà họ phải dấn thân vào cái nghề hạ bạc với hy vọng cuộc đời sẽ đổi thay. Song đồng tiền của họ kiếm chẳng khác nào "gió thổi qua nhà trống", không bao giờ giàu được vì suốt một đời lặn hụp, chống chọi với bao khắc nghiệt, nắng cháy, mưa nguồn, sóng to, biển động, làm sao tránh được bệnh tật, ốm đau!
Như anh Huỳnh Văn Tiền, một tay thợ lặn giỏi ở Hòn Nghệ, gần 10 năm lặn hụp, sức khỏe hao gầy, rốt cuộc "ráo mái chèo thời khô túi". Anh cho biết cá bây giờ gần cạn kiệt, muốn bắt được nhiều phải đi xa bờ. Do đó anh đã chuyển sang nghề nuôi cá lồng bè.
Ông Trần Văn Công ở Bãi Giếng Tiên, chuyên lặn bắt cá mú; ông Bảy Khải ở hòn Mấu chuyên bắt bào ngư, cà xeo và các loại cá khác; cũng nói như thế.
Mỗi chiều, người thợ lặn mang tất cả thành phẩm thu hoạch được như cá, san hô... về cho vợ con ăn và bán. Ảnh: Thiên Lộc. Thông thường mỗi chuyến ra khơi, một thợ lặn giỏi có thể kiếm khoảng vài trăm nghìn đồng, gặp những hôm "ông cậu bà cậu" hộ độ có thể lên tới vài triệu, nhưng cũng có lúc về tay không. Anh Mười tâm sự: "Hạnh phúc lớn nhất của những người đi biển là bình yên vô sự và đánh bắt được nhiều cá, tối về cùng vợ con quây quần bên mâm cơm và cầu mong cho sáng hôm sau trời yên bể lặng để tiếp tục giong thuyền ra khơi với bao niềm hy vọng".
Những người thợ lặn cho biết, cá bây giờ ít lắm. Muốn bắt được nhiều phải ra xa bờ vài chục cây số, nhưng càng đi xa càng tốn kém và rủi ro không thể lường hết được.
Thiên Lộc
Thứ Bảy, 10 tháng 3, 2012
Muu sinh duoi day bien
Trời mới tờ mờ sáng, những tay thợ lặn ở bãi Giếng thuộc xã An Sơn, huyện Kiên Hải, Kiên Giang, đã cơm đùm cơm gói chuẩn bị ra khơi. Họ sẽ lặn xuống các rạn san hô sâu dưới đáy biển tìm những luồng cá để bắt. Theo www.baomoi.com
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét