Vải của ông cha
"Người Công Dồn mình mà không dệt vải thì không còn được coi là người Công Dồn nữa đâu. Ở đây bé gái học lớp 3, lớp 4 đã biết dệt, còn con trai chừng ấy tuổi biết theo cha lên rẫy trồng cây bông, lấy cây thuốc nhuộm rồi" - anh Aviết Crai, 40 tuổi, vừa nói vừa chỉ tay vào hai chiếc khung dệt để ở góc nhà. Anh cho biết bà con thường tranh thủ dệt ban đêm, nhưng nay đang vụ gặt giữa mưa nên ai cũng làm đến mờ tối mới về, không thể dệt đêm vì mỏi mệt.
Tự hào vì còn giữ nguyên vẹn nghề dệt của tổ tiên, người Công Dồn cũng tự hào khi bảo lưu được kỹ thuật chế biến một số vỏ cây rừng làm quần áo - tiền đề nghề dệt vải của mình. Ông Bling Hạnh, 61 tuổi, người tạo được những bộ quần áo vỏ cây và cũng là người am hiểu về nghề dệt thổ cẩm của Công Dồn, cho rằng cây bông vải cư dân Công Dồn đang trồng là giống bông bản địa lâu đời, vốn có nguồn gốc từ những người bạn Lào láng giềng. Trồng bông, kéo sợi, nhuộm màu, dệt, tự túc được tấm thổ cẩm để làm ra chiếc khố, chiếc váy, tấm quàng, tấm đắp (chăn), từ hàng bao đời nay nghề dệt thổ cẩm chưa hề gián đoạn với người Công Dồn. "Thời chiến tranh, làng mình vẫn trồng bông dệt vải để có vải dùng. Hạt bông từ thời ông cha mình để lại cứ nối giống mãi đến giờ, không bị đứt đoạn" - ông Bling Hạnh giải thích.
"Làng Công Dồn là nơi duy nhất ở Trường Sơn - Tây nguyên còn bảo lưu được nghề dệt cổ truyền, khép kín từ việc trồng bông, kéo sợi, nhuộm màu và dệt thành vải từ vật liệu tại chỗ để sử dụng. Quảng Nam là vùng đất duy nhất may mắn còn giữ được một làng nghề dệt như thế, bước đầu đã được các nhà nghiên cứu tìm đến. Nhưng đáng tiếc là đến nay Nhà nước vẫn chưa có kế hoạch bảo tồn cũng như phát triển nghề dệt thổ cẩm độc đáo của Công Dồn. Nếu được đầu tư xây dựng, đây có thể là một địa điểm du lịch Trường Sơn hấp dẫn" - ông Trần Tấn Vịnh, tiến sĩ dân tộc học, giám đốc Bảo tàng Tổng hợp Quảng Nam, nhận xét.
Để tạo màu cho vải, từ xa xưa cư dân nơi Trường Sơn biên ải đã biết chọn lọc một số lá cây rừng làm phẩm màu nhuộm sợi. "Muốn nhuộm màu đen thì lấy lá cây tà-râm, còn màu vàng lấy dây mà-rơơt, màu đỏ dùng lá cây bhăl hay lá cây dhơvân đem ngâm ủ mà làm nên. Riêng màu xanh thì dùng phẩm nhuộm màu đen nhưng chỉ nhúng sợi qua một lần là được" - anh Aviết Crai kể chi tiết.
Để đỡ vất vả vào rừng tìm lá làm màu nhuộm, những năm gần đây người Công Dồn đã lấy những giống cây này về trồng ở vườn nhà hay ở rẫy. Họ cũng là chủ nhân của bí quyết giữ màu bền lâu tấm vải dệt. Với vải đen, họ dùng bột của hạt bắp rang cháy pha vào nước nấu từ củ nâu để ngâm vải dệt. Với các loại màu khác, họ ngâm vải trong nước vôi được làm từ đá vôi hay vỏ ốc lấy tại chỗ.
Còn sống còn dệt
Gọi Công Dồn là làng dệt không quá đáng khi ở đây nhà nào cũng trồng bông dệt vải. "Làng mình có 98 hộ, chỉ trừ bà Alăng En gần trăm tuổi không còn dệt được, còn lại nhà nào cũng dệt. Chỉ một số ít nhà có một khung dệt, còn lại nhà nào cũng có hai, ba khung dệt, cái lớn, cái nhỏ, đủ cho người lớn, trẻ em dệt" - chị Jơrum Bằng, 40 tuổi - chi hội trưởng phụ nữ làng Công Dồn, cho biết.
Giữ di sản ông cha, giữa rừng sâu cách biệt, ngoài lo trồng trọt cho cái ăn, người Công Dồn thời nào cũng cần cù, chăm chỉ để làm ra tấm vải mặc. "Vải mình làm ra dày, chắc, mềm, mặc ấm cái da mùa mưa, mát cái da mùa nắng. Phụ nữ mặc váy, đàn ông mặc khố, quấn tấm aduôn, tấm tuốt bằng vải của mình mới đẹp, mới ra người Cơ Tu" - bà Bling Pá nói. Bà mẹ 75 tuổi, biết dệt khi chỉ mới "đứng tới cái ngực của mẹ" này cho rằng dệt ra tấm vải để dùng tốn rất nhiều công sức, trong đó công phu nhất vẫn là khâu kéo bông thành sợi. Phải chịu khó, phải bền lòng tập tành lâu ngày mới có thể biến bông thành sợi - công đoạn thường do những phụ nữ lớn tuổi đảm nhận. Trung thành với tấm vải truyền thống, người Công Dồn vẫn chịu khó tự làm bông sợi, tự nhuộm màu để dệt ra vải dùng dù những năm gần đây đã có con đường nhập sợi tổng hợp đủ sắc màu. Chị Jơrum Bằng nói các bạn gái trẻ ở đây dù gần gũi với các loại vải công nghiệp nhưng vẫn chăm học nghề dệt truyền thống, nhiều bạn gái tuổi 18 đã khéo tay trong chuyện kéo sợi.
Coi tấm vải là niềm tự hào về sự sáng tạo của ông cha, cư dân của làng ai cũng góp tay vào việc. Bật bông, kéo sợi, nhuộm, dệt là phần việc của phụ nữ, trong khi nam giới lo chế tác khung dệt, cần bật bông, khung kéo sợi, giúp việc trồng, chăm sóc cây bông, tìm kiếm các loại cây, khoáng vật dùng làm phẩm nhuộm vải sợi. "Mình phải chung tay vô làm để có tấm aduôn quấn trong ngày lễ hội, có tấm tuốt đắp cho ấm trong mùa mưa. Làm ra tấm vải cực lắm, để một mình phụ nữ làm sao được" - anh Aviết Crai giải thích.
Bòn nhặt từng chút thời gian, một thợ dệt ở đây một năm giỏi lắm cũng chỉ dệt được dăm bảy chiếc váy và vài ba tấm aduôn, tấm tuốt là cùng. Vậy mà "vải mình tốt, dệt tốn nhiều công, không thể bán rẻ được. Nhưng bán đắt thì dân mình nghèo, tiền đâu mua. Bởi vậy nhiều người ở đây dù túng nghèo nhưng phải đem tấm vải dệt tặng cho bà con mình ở các làng khác. Tấm vải ông cha truyền lại mình phải giữ mãi. Người Công Dồn mình còn sống là còn dệt" - chị Jơrum Bằng bày tỏ.
HUỲNH VĂN MỸ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét