Thứ Tư, 11 tháng 4, 2012

Doc dao cau muc o Bach Long Vi

(ICTPress) - Có lẽ không có nơi nào ở vùng biển vịnh Bắc Bộ có nhiều mực như ở ngư trường Bạch Long Vĩ. Mực ở đây có nhiều loại, từ mực ống, mực lá đến mực nang. Chính vì vậy tại ngư trường rộng lớn này có tới hàng trăm, hàng nghìn chiếc tàu ra đây làm nghề câu mực. Những tưởng nghề câu đơn giản chỉ để phụ thêm cho nghề khác, nhưng không, đây chính là nguồn sống chủ yếu của những con tàu.

Ảnh: micronet.vn

Phải thuyết phục mãi, Tính - một chủ tàu câu mực có thâm niên đến hàng chục năm trong cầu cảng Bạch Long Vĩ mới đồng ý cho tôi lên tàu cùng anh đi câu mực nhưng với điều kiện: tôi phải bơi được 3 km trong điều kiện có áo phao. Anh bảo: trong khi câu, nếu có gió lốc bất ngờ thì cũng không bị chết đuối. Sau một phút ngần ngừ, tôi đồng ý cho dù cũng không thực sự tin chắc lắm ở khả năng bơi lội của mình. Chiếc thuyền câu của Tính nổ máy, nhổ neo tiến ra đại dương mênh mông sâu thẳm. Trời chiều, giữa đại dương hình như hoàng hôn xuống muộn, 6 giờ chiều mà chẳng khác 4 giờ ở trong đất liền.

Hôm nay, chuyến đi câu mực của Tính khác với thường lệ bởi sự có mặt của tôi. Chiếc thuyền rẽ sóng ra khơi mỗi lúc một nhanh, chẳng mấy chốc, đảo Bạch Long Vĩ chỉ còn là một bóng mờ trên mặt biển. Đến 7 giờ tối, những tia nắng gần như chỉ còn nhạt nhòa trên mặt biển, trời tối rất nhanh. Nhìn trời Tính lẩm bẩm: cuối tháng thế này chắc thắng to. Nói rồi anh cúi xuống khoang máy, con thuyền bỗng rồ máy lên mạnh mẽ, cả vùng biển trở nên sáng lòa trước ánh sáng của hơn 10 ngọn đèn trên nóc thuyền. Tôi ngước nhìn ra chung quanh, cả vùng biển với hàng trăm con tàu và hàng nghìn bóng đèn tỏa sáng trông như thành phố nổi. Tính bấm vai tôi: đến giờ rồi đấy. Đoạn anh tiến về phía đuôi tàu bung ra một chiếc dù trắng cỡ lớn xuống nước và ra ra mũi tàu lật mui khoang trước lấy ra hơn 10 chiếc cần câu.

Tôi chưa bao giờ thấy cần câu nào kỳ lạ như vậy, vừa to lại vừa ngắn, chỉ khoảng hơn 1m, cước câu cũng không dài nhưng điều đáng ngạc nhiên là ở mỗi đầu cước được buộc một chiếc mồi giả. Thấy tôi mân mê chiếc cần câu trong tay, Tính cười: cứ thả xuống nước thì biết. Cạnh mạn thuyền lúc này, tôi nhìn thấy khá nhiều cái bóng trắng lập lờ của những con mực, con thì bằng bàn tay, có con thì gần bằng cái quạt nan. Tính nhanh nhẹn thả chiếc cần câu đầu tiên xuống nước, chẳng mấy chốc anh đã kéo lên được con mực khá to, những chiếc cần câu khác của anh thi nhau được kéo lên, mực nhiều vô kể. Làm theo anh, tôi thả chiếc cần câu xuống nước, vừa được khảng 5 giây, chiếc cần câu trĩu nặng, tôi kéo nhanh lên thuyền, một con mực to như chiếc quạt nan đang vùng vằng ở đầu sợi cước. Hóa ra, lũ mực chuyên đi phun mực đen lại bị đánh lừa bởi ánh sáng của những ngọn đèn, chúng cứ thấy mồi là đớp, không thể phân biệt được thật giả. Nhìn rổ mực mỗi lúc một đầy, ước khoảng 7- 8 kg, Tính bảo tôi: nghỉ tay tí đã, hôm nay hên quá, gặp đúng đàn, kiểu này chắc kiếm được vài chục cân rồi. Anh chọn mấy con ngon nhất, rạch dao, rửa qua rồi thả vào nồi bật bếp ga nhỏ để luộc, chỉ một lát sau anh bê đĩa mực luộc còn nóng hổi ra, miếng mực nào cũng cong như mực khô. Vừa mệt, vừa đói, đây quả là một bữa mực ngon nhất mà tôi từng được thưởng thức.

Vừa rót rượu, Tính vừa kể: cái nghề câu mực này cũng có hôm hên, hôm xui đấy ông ạ, có lần tôi đi cả đêm mà chẳng kiếm được con nào, cũng có lần không đủ sức mà câu vì hôm đó gặp trúng đàn, kiếm được chút tiền gửi về cho ông bà già. Tôi nhìn người đàn ông mới chỉ ngoài ba mươi nhưng sương gió và sóng biển đã tạo cho anh khuôn mặt "khắc khổ" dễ chừng già đến hơn chục tuổi. Quê anh ở Lập Lễ - một xã có nghề đánh mực nổi tiếng nhất cả nước. 15 tuổi anh đã bước xuống tàu đi biển, 24 tuổi lập gia đình, 10 năm bám đảo kiếm sống. Vợ anh cùng đứa con gái thì làm nghề chèo đò ở âu cảng. Có thể nói, gia đình anh có cuộc sống khá tươm tất khi thu nhập của hai vợ chồng lên đến vài triệu một tháng, có thể gửi về giúp gia đình.

Nhấp một hớp rượu, anh cười buồn: anh biết đấy, nghề câu mực cũng như đánh đố với thời tiết, cách đây mấy tháng, có người trốn cảng vụ, đi câu mực bằng thuyền nan rồi từ đó cũng chẳng thấy về nữa, nghe mọi người bảo, hôm ấy gió nổi to lắm... Nói xong anh tựa lưng vào vách thuyền, hai chúng tôi cùng im lặng, mỗi người đuổi theo một suy nghĩ, chỉ còn nghe tiếng sóng biển ầm ào xen lẫn tiếng máy thuyền.

Quả thật, đúng như lời ông Trần Xuân Lê, giám đốc Ban quản lý dự án cảng cá Bạch Long Vĩ, ở đảo ngư dân chỉ làm nghề câu cũng kiếm được khối tiền, ấy là lý do vì sao Bạch Long Vĩ ngày càng có nhiều tàu thuyền xuất hiện làm nghề câu mực và dịch vụ. "Thế một đêm anh câu được nhiều không" - tôi hỏi để phá vỡ sự im lặng. "Cũng không nhiều lắm, khoảng 10 cân đến 50 cân thôi, hôm nào đỏ thì câu được hàng tạ, nhưng chỉ vài tháng mới được một ngày thôi". Tôi liền "đi" ngay một phép tính: mực lá tại Bạch Long Vĩ có giá khoảng 70.000 đồng/kg, nếu ngày thấp thì Tính cũng được 700.000 đồng, ngày nào cao được khoảng 7 triệu, tính trung bình mỗi ngày anh kiếm được 3 triệu đồng, mỗi tháng đi đánh mực 10 ngày anh làm được 30 triệu đồng, trừ chi phí, xăng dầu, đá, thuế, bảo dưỡng phương tiện, anh thu về khoảng 15 -18 triệu đồng. Đây quả là số tiền khá lớn đối với một gia đình ngư dân, nhưng theo tôi được biết, ở khu vực âu cảng Bạch Long Vĩ, có những tàu kiếm đến 50 triệu đồng/tháng.

Bạch Long Vĩ đúng là miền "đất hứa" đối với ngư dân, lượng tàu ở đây ngày một nhiều khiến cho khâu quản lý ở cảng càng thêm khó khăn. Tôi thắc mắc: Vừa qua, giá xăng dầu lên cao, các tàu đánh cá của cả nước đang gặp khó khăn, nhiều tàu về nằm bờ mà sao ở đây hoạt động nhộn nhịp như chẳng có chuyện gì xảy ra thế nhỉ?. Tính cười: giá dầu thế này, chứ tăng đến gấp đôi đi nữa cũng chẳng sao. Đấy anh xem, từ nãy đến giờ tôi có mất bao nhiêu dầu đâu, chỉ mất ít thôi thôi. "Thế khâu dịch vụ ở đây ra sao, có thuận tiện không?" Tính vui vẻ: "ối giời, cái món này ở đây thì tuyệt vời, tàu ông chưa kịp về đến cảng đã có tàu dịch vụ đón ngay phía ngoài rồi, bao nhiêu họ cũng mua, họ mua rồi chuyển đi ngay, mang về Cát Bà bán thì có giá hơn nhiều. Tiếp tục đi, đàn mực này có vẻ lớn lắm".

Tôi và Tính đi nhanh ra boong, hai chúng tôi mải miết thả cần câu xuống biển rồi cùng xuýt xoa khi kéo lên những chú mực béo mẫm, đen sì, cứ mỗi lần câu được con mực nào còn bé, Tính liền gỡ ra thả ngay xuống biển, anh bảo để cho nó lớn, đây cũng là việc góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho chính mình. Lần đầu đi câu mực nên tôi càng câu, càng hăng, chẳng mấy chốc tôi đã làm được như Tính, gỡ mực thoăn thoắt như thể chính mình là ngư dân vậy. Đêm càng về khuya, mực càng nhiều, hai chúng tôi kéo đến mỏi tay, nhưng đến gần sáng đàn mực thưa thớt dần. Tính cười vui vẻ: "thôi nghỉ tay, hôm nay là quá thắng rồi". Tôi nhìn rổ mực, nhiều quá, rổ không thể chứa được nữa, mực tràn cả ra ngoài khoang, long lanh trong ánh đèn. Tính xếp cần câu rồi lấy hộp xốp bên trong đầy đá lạnh rồi nhặt mực thả vào đó. Chiếc thuyền tắt đèn quay về phía đảo Bạch Long Vĩ, nơi ngọn hải đăng vẫn cần mẫn chiếc sáng và đội tàu dịch vụ đang chờ sẵn...

Tàu cập cảng, tôi nhìn đồng hồ: gần 4 giờ sáng, một ngày mới đang chuẩn bị bắt đầu.

Huy Hoàng


Theo www.baomoi.com

Thứ Tư, 4 tháng 4, 2012

Hoc lich su o cac bao tang

Ở mỗi hiện vật là những câu chuyện lịch sử sống động nhưng nhiều người chưa có thói quen đến các bảo tàng.

Hôm trước tôi có dịp đưa người thân đi một vòng quanh các bảo tàng của TP.HCM. Sau một ngày tham quan, tôi cứ tiếc mãi sao mình đến những nơi này muộn quá. Những kiến thức lịch sử tôi đã học, những tư liệu về văn hóa, về các cuộc chiến thảm khốc tôi đã đọc trở nên sống động gấp nhiều lần từ những điều tôi nhìn thấy ở các bảo tàng.

Đầu tiên là cuộc thảm sát của lính Mỹ ở xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú, Bến Tre vào đêm 25-2-1969. Những hiện vật ở căn phòng trưng bày tựa như có linh hồn khi "kể" với tôi rằng khi lính Mỹ đến, ba đứa trẻ (từ sáu đến tám tuổi) là cháu nội của ông Bùi Văn Vát đã sợ quá tìm cách ẩn nấp trong ống cống nhưng vẫn bị lính biệt kích Mỹ bắt ra. Chúng đâm chết hai cháu gái và mổ bụng cháu trai. Chiếc ống cống bằng bê tông, nơi mà ba cháu bé đã nấp trong đó cách đây mấy chục năm nay được trưng ở một góc ở bảo tàng và khi sờ vào đó, tôi nghe thấy những tiếng khóc thét của các em. Tôi căm thù chiến tranh!

Một người khách nước ngoài chụp lại những hình ảnh, hiện vật trong vụ thảm sát Sơn Mỹ. Ảnh: TM

Kế bên đó là phòng trưng bày về cuộc thảm sát ở Sơn Mỹ ngày 6-3-1968. Không ai nói với ai câu nào. Mỗi người đều giữ cho mình những cảm nhận, những xúc động riêng. Hình ảnh người dân bị thảm sát đầy máu me với những dáng nằm bất động ngoài cánh đồng, những khuôn mặt thất thần trước họng súng của lính Mỹ thật hãi hùng, tang thương. Trong tôi đọng lại duy nhất cảm giác phẫn nộ!

Bên dưới những hình ảnh này là các hiện vật sống của những nạn nhân trong vụ thảm sát. Họ như đang lảng vảng đâu đó để kể cho mọi người nghe câu chuyện đã xảy ra, không bằng khói thuốc súng đạn, không bằng máu hay nước mắt mà mắt tôi vẫn cay. Nào là chiếc lu đựng gạo của gia đình bà Nguyễn Thị Chát (xóm Khê Đông, thôn Tư Cung, xã Tịnh Khê) là nạn nhân trong vụ thảm sát ở Sơn Mỹ. Cái tỉn đựng mắm của gia đình ông Hàn Đích ở cùng xóm, đôi thùng quản đựng mắm của gia đình bà Nguyễn Thị Tỵ ở cùng xã… còn sót lại sau vụ thảm sát. Những kỷ vật rất đặc trưng của vùng nông thôn Quảng Nam, Quảng Ngãi. Chỉ cần nhìn vào đó tôi đã nghe thoảng dậy mùi mắm của quê hương thơm lừng, nghe như bao bình yên, bao tình nghĩa xóm làng chất chứa trong đó. Tôi thêm yêu hòa bình vô cùng!

Đang tham quan, tôi thấy một đứa trẻ da trắng, tóc vàng chừng 10 tuổi xô cửa bước nhanh ra ngoài. Người mẹ chạy theo, dìu đứa con ngồi xuống chiếc ghế nơi hành lang rồi cả hai cùng khóc. Hai mẹ con nói với nhau gì đó về cuộc chiến. Tôi nghĩ họ cũng căm ghét chiến tranh, cũng thiết tha yêu hòa bình như tôi. Trên cuốn sổ ghi lại cảm nhận của khách tham quan, có một người khách nước ngoài đã vẽ hình một cô gái đội nón lá đi giữa dòng sông thanh bình mà trong đầu cứ vang lên câu hỏi: "Tại sao phải chiến tranh?". Nhiều bạn sinh viên cũng ghi vào đó những câu đại loại như đây là bài học đắt giá nhất về lịch sử mà họ từng học.

Hôm tôi đến, bảo tàng rất đông khách nước ngoài nhưng rất ít khách trong nước. Tôi hỏi chị giám đốc bảo tàng về tỉ lệ này trong ngày thường thì được biết du khách nước ngoài luôn đông hơn. Có lẽ vì người Việt Nam chúng ta chưa có thói quen đến bảo tàng. Vậy cách nào tạo dựng một "văn hóa bảo tàng" trong mỗi người dân từ khi còn nhỏ để khỏi phải tiếc nuối như tôi?

SA YẾN


Theo www.baomoi.com